HomeVăn HọcPhân tích bài thơ “Chí anh hùng” văn học lớp 9

Phân tích bài thơ “Chí anh hùng” văn học lớp 9

Nguyễn Công Trứ là người hiểu sâu sắc nhân tình thế thái. Ông luôn ý thức về trách nhiệm của một nam nhi đối với gia đình, đất nước. Điều đó được thể hiện rõ trong các tác phẩm thơ của ông. Trong đó có bài thơ “Chí anh hùng”.

Nguyễn Công Trứ (1778 – 1858), sinh ra ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Ông là một nhà quân sự, một nhà kinh tế và một nhà thơ lỗi lạc bậc nhất trong lịch sử Việt Nam trung cận đại. Đa số các bài thơ của Nguyễn Công Trứ được viết theo thể hát nói, là bức gương phản chiếu chính con người ông. Đó là tâm hồn khoáng đạt, cốt cách mạnh mẽ, có chút ngông cuồng, kiêu ngạo nhưng cũng có trách nhiệm cao cả.

“Chí anh hùng” là một trong những bài hát nói xuất sắc nhất của Nguyễn Công Trứ viết thời trai trẻ. Bài thơ thể hiện chí làm trai mãnh liệt, quyết lập công danh, tạo dựng sự nghiệp.

Mở đầu bài thơ, tác giả viết:

Vòng trời đất dọc ngang, ngang dọc

Nợ tang bồng vay giả, giả vay

Chí làm trai nam bắc đông tây

Cho phí sức vẫy vùng trong bốn bể

Theo quan niệm xưa, đã là nam nhi phải đầu đội trời, chân đạp đất, phải học hành, đỗ đạt, làm quan để rạng rỡ tổ tông. Đó là nợ tang bồng không thể trốn tránh. Đã là nam nhi không thể bị bó chân một chỗ, loanh quanh trong làng quê. Họ phải đua tài trí khắp bốn bể, “đông, tây, nam, bắc”, thỏa sức vẫy vùng mới thành người. Nếu không có chí, không có danh rất dễ bị người đời xem thường, chỉ xứng đáng ngang bằng với phận nữ nhi. Cái hay của khổ đầu bài thơ “Chí anh hùng” chính là ở giọng điệu hào hùng, lôi cuốn, hấp dẫn. Nghệ thuật điệp từ, luyến láy rất tài tình: “dọc ngang ngang dọc”, “vay giả, giả vay”.

Sang khổ thơ thứ hai, tác giả bày tỏ một tuyên ngôn về quan niệm sống đẹp:

Nhân sinh tự cổ thùy vô tử,

Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh.

Đã chắc rằng ai nhục ai vinh,

Mấy kẻ biết anh hùng khi vị ngộ.

Người ở đời chẳng ai mà không chết, phải làm sao lưu lại tấm lòng son soi trong sử sách. Đó là điều Nguyễn Công Trứ muốn nhắn gửi đến thế hệ thanh niên thời bấy giờ. Chúng ta không nên lấy thành công, thất bại, vinh quang để bàn luận anh hùng một cách vội vã, phiến diện. Anh hùng cũng tùy vào thời thế. Có nhiều người tài giỏi nhưng sinh không gặp thời, vua quan không chăm lo đến dân thì không thể làm nên sự nghiệp giúp dân, giúp nước mà chỉ biết ngậm ngùi chịu cảnh cơ hàn.

Cũng có lúc mưa dồn sóng vỗ,

Quyết ra tay buồm lái với cuồng phong.

Chí những toan xẻ núi lấp sông,

Làm nên tiếng anh hùng đâu đấy tỏ.

Đường mây rộng thênh thênh cử bộ,

Nợ tang bồng trang trắng, vỗ tay reo

Thảnh thơi thơ túi rượu bầu.

Trong khổ cuối, Nguyễn Công Trứ thể hiện chí anh hùng, chí làm trai bằng những công việc cụ thể. Nếu đất nước gặp loạn lạc, “mưa dồn sóng vỗ” hay “cuồng phong” thì các nam nhi hãy thể hiện tấm lòng trung quân ái quốc, đứng lên cứu nguy cho đời.

Còn “xẻ núi lấp sông” là những việc to lớn làm nên “tiếng anh hùng” cho nam nhi. Chẳng hạn, chăm chỉ học hành, thi cử đỗ đạt và làm quan để giúp dân giúp nước.

Giọng thơ trong khổ cuối mang âm hưởng anh hùng ca rõ rệt. Ngôn ngữ thơ trang trọng, cổ kính. Tác giả đã dùng hình ảnh mang tính chất ước lệ tượng trưng, lấy cái kì vĩ, tráng lệ để nói lên khát vọng, chí nam nhi, chí anh hùng.

Với Nguyễn Công Trứ: “Đã mang tiếng ở trong trời đất – Phải có danh gì với núi sông”. Cuộc đời của Nguyễn Công Trứ rất đẹp, sống có hoài bão và chí khí. Và điều này lại càng được khẳng định rõ rệt trong bài thơ “Chí anh hùng”, vừa đẹp trong giọng điệu lời ca, vừa hay ở cốt cách hào hùng của kẻ sĩ.

Bài Viết Liên Quan

Bài Viết Mới

oversizedtee