Đề bài: Bình luận câu: “Bầu ơi thương lấy bí cùng – Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” (Văn mẫu lớp 9)
Bài Làm:
bình luận câu:
Ca dao dân ca luôn được coi là cây đàn muôn điệu, cất lên tiếng đàn ngọt ngào và vô cùng sâu lắng ấy đã diễn tả được phần nào đời sống tâm tình của con người dân tộc Việt Nam từ bao đời nay. Ca dao dân ca sở hữu một sức mạnh lớn lao, nó cho ta biết bao nhiêu là bài học về tình thương, đạo lí sống. Trên chặng đường ấy ông cha ta luôn luôn nhắc nhở con cháu sau này: “Bầu ơi thương lấy bí cùng – Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.
Nghĩa đen của câu tục ngữ nổi tiếng này là nói về một cây trông ăn quả phổ biến đó là bầu và bí, tuy khác nhau về họ nhưng bầu khá giống và vẫn thương bí. Mượn hình ảnh bầu và bí để ông cha ta muốn nhắc nhở con người, muốn nói đến tình cảm yêu thương, gắn bó và đùm bọc lẫn nhau giữa con người với con người. Dù rằng không có chung một dòng máu về huyết thống nhưng chúng ta đều chung dòng máu của con rồng cháu tiên và đều sinh ra trên mảnh đất có biết bao nhiêu truyền thống quý báu, tốt đẹp của dân tộc. Ai ai cũng đều cảm thấy phải yêu thương và quý trọng mảnh đất thiêng liêng này. Tình cảm yêu thương và đùm bọc lẫn nhau được mỗi con chúng ta ý thức một cách rất sâu sắc trong cuộc sống, chúng ta cần phải thương yêu, đùm bọc lẫn nhau để có thể vượt qua được muôn vàn những thử thách khác nhau của cuộc sống này và để trở thành những con người có ích cho xã hội hiện tại. Vì vậy tất cả chúng ta đều phải học tập, tu dưỡng dạo đức qua những truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc đó là biết thương yêu và đùm bọc lẫn nhau.
Câu tục ngữ trên thật đúng đắn biết bao nhiêu khi nó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển từ xa xưa tới nay của dân tộc ta, chúng ta đã biết cách vận dụng những giá trị to lớn ấy vào cuộc sống hiện tại của mình, từ chiến đấu đến thời bình thì câu tục ngữ này vẫn luôn có một giá trị cực kì to lớn cho cả dân tộc ta. Chúng ta – những người con của đất Việt luôn luôn cảm thấy tự hào khi đứng trên mảnh đất mà mình sinh sống có những truyền thống vô cùng tốt đẹp ấy, chúng ta cần phải học tập cũng như tu dưỡng rèn luyện bản thân nhiều hơn nữa để có thể trở thành những công dân có phẩm chất tốt cho xã hội, những con người tiên tiến mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam.
Bằng máu, mồ hôi và cả những giọt nước mắt, bằng kinh nghiệm sống xuyên suốt bốn nghìn năm lịch sử lao động và chiến đấu thì nhân dân ta đã lấy tình thương để tạo nên được một bản sắc dân tộc, một bản lĩnh giống nòi. Chúng ta phải biết tự hào về truyền thống “Bầu ơi thương lấy bí cùng – Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” mang đậm tính nhân nghĩa, nhân ái cao đẹp đã hun đúc nên sức mạnh dân tộc Việt Nam ta.