HomeVăn HọcNghị luận xã hội: Bàn về đức tính siêng năng cần cù...

Nghị luận xã hội: Bàn về đức tính siêng năng cần cù (Văn mẫu lớp 9)

Đề bài: Nghị luận xã hội: Bàn về đức tính siêng năng cần cù (Văn mẫu lớp 9)

Bài làm

Siêng năng, cần cù là một phẩm chất tốt đẹp của người lao động, của nhân dân ta từ bao đời này mà học sinh, tuổi trẻ chúng ta ngày nay phải rèn luyện đức tính này hằng ngày. Học tập hôm nay là để có được ngày mai đúng ý nghĩa, đó là một ngày mai lao động sáng tạo, cuộc sống ấm no và hạnh phúc. Đức tính siêng năng cần cù sẽ không thể thiếu trong cuộc sống của ngày hôm nay với mục đích là để có một ngày mai thật sự tươi đẹp.

Biết chăm chỉ làm việc và học hành một cách thường xuyên và đều đặn thì gọi là siêng năng cần cù, bên cạnh đó cũng phải biết chăm chỉ, chịu khó dù là trong bất cứ một công việc nào, nhất là trong lao động và học tập thường ngày. Có quý trọng thì giờ thì mới biết cần cù, chịu khó và siêng năng. Có biết coi trọng thì giờ quý như vàng ngọc thì tự mình mới có ý thức chăm chỉ, chịu khó trong sinh hoạt cũng như lao động sản xuất, trong học hành luyện tài. Có siêng năng cần cù thì chúng ta mới có ý thức không để thời gian trôi qua một cách vô vị, biết dùi mài kinh sử ngày đêm, biết suy nghĩ vận động, biết cách vươn lên học hỏi những điều mới mẻ, những kiến thức vô tận về khoa học hiện đại thì mới có thể nói đó là đức tính cần cù, siêng năng. Thức khuya dậy sớm, chăm chỉ làm việc và vượt qua được mọi khó khăn thì mới gọi là siêng năng, biết chịu khó.

Cần cù, siêng năng để tự mình làm ra của cải vật chất, sáng tạo nên các giá trị tinh thần khác nhau để làm cho cuộc sống ngày càng ấm no hạnh phúc, làm cho đất nước ngày một thêm phát triển. Muốn được sống trong ấm no hạnh phúc thì mỗi người đều phải siêng năng, cần cù. “Có làm thì mới có ăn – Không dưng ai dễ đem phần đến cho” là một lời khuyên vô cùng chí lí. Muốn dân giàu, nước mạnh thì người người phải ra sức lao động, nhà nhà phải ra sức lao động một cách cần cù, siêng năng. Trên đời này từ xưa đến nay cái đáng quý nhất là lao động, người đáng quý nhất chính là người lao động bởi vì chính nhân dân lao động đã giáo dục cho chúng ta về lòng yêu nước và đức tính cần cù, siêng năng.

Học sinh, tuổi trẻ chúng ta ngày nay phải chăm học chăm làm, phải rèn luyện đức tính siêng năng thức khuya dậy sớm, chịu khó cần cù trong việc học hành, luyện tập thì mới mong nên người được, phải biết đến học ngày chưa đủ, tranh thủ học đêm. Trong đợt ôn tập, thi cử thì học sinh phải biết siêng năng, phải cần cù ôn luyện. Bên cạnh đó có chịu khó, có nỗ lực cao thì bản thân mình mới có thể vươn lên học học giỏi, mới giành được điểm cao, kết quả trong thi cử?

Nghị luận về tính chăm chỉ cần cù – Bài làm 2 hay nhất

Có lẽ chúng ta chẳng còn xa lạ gì với câu chuyện rùa và thỏ, một câu chuyện ngụ ngôn nổi tiếng. Qua câu chuyện, chúng ta học được một điều quý giá rằng sự cần cù chăm chỉ có thể là cách thức làm việc hiệu quả hơn sự nhanh nhẹn mà chủ quan. Không phải trong cuộc sống này, ai cũng thông minh. Một số người khác tuy không có sự thông minh, nhưng vẫn thành công trong cuộc sống chính vì họ biết “ cần cù bù thông minh”.

Vậy câu nói “Cần cù bù thông minh” có ý nghĩa như thế nào? Cần cù chính là sự chăm chỉ kiên nhẫn làm việc một cách thường xuyên. Một người cần cù sẽ luôn cố gắng làm cho mọi việc hoàn tất dù có khó khăn và tốn thời gian biết bao nhiêu. Họ chịu khó, cần mẫn, tìm hiểu một vấn đề cho đến khi hiểu rõ nó. Thông minh chính là sự nhanh nhạy, sự hiểu biết nhanh chóng một vấn đề khi tiếp xúc. Người thông minh thường vượt trội hơn những người khác trong nhiều lĩnh vực. “Cần cù bù thông minh” nghĩa là một người mà biết cần cù, siêng năng chăm chỉ thì sẽ chẳng thua gì những người vỗn sẵn thông minh. Câu nói trên đã nói lên được một sự thật trong cuộc sống và dường như trở thành một chân lí. Sự bền bỉ, tính kiên trì cũng đóng vai trò quan trọng không kém năng khiếu hay sự thông minh. Không phải trong cuộc sống này, người nào cũng thông minh, thay vào đó một số người lại có được tính cần cù. Những người biết sử dụng tính cần cù của mình sẽ có thể bù đắp cho tính thông minh của mình mà vẫn có thể vượt trội hơn bao người khác. Không thông minh không có nghĩa là vô dụng vì thực tế, năng lực tư duy không phải tự nhiên mà có, mà là phải qua một quá trình luyện tập. Trí thông minh chỉ đóng góp một phần nhỏ trong việc đó, giống như nhà phát minh nổi tiếng Ê-đi-xơn đã nói: “ Thiên tài và óc sáng tạo chỉ chiếm 1% còn 99% là lao động cực nhọc”. Cuộc sống ngày nay yêu cầu sự cẩn thận và kiên trì khi làm mọi việc, khi đó những người mà đã quen với tính cần cù thì sẽ dễ dàng thích nghi, trong khi một số người thông minh lại gặp vấn đề trong việc kiên nhẫn làm việc. Trong cuộc sống này không ít những người nổi tiếng từng bị xem là “ngu dốt”, tuy nhiên nhờ có sự nỗ lực phấn đấu không ngừng, họ đã đạt được thành công, điển hình như An-be Anh-xtanh, cho đến lúc 4 tuổi vẫn chưa biết nói và đến lúc 7 tuổi vẫn không biết đọc. Thầy giáo nhận xét rằng ông “kém trí”, khó gần, luôn luôn sống trong trạng thái lơ lửng với những giấc mơ thiếu thực tế”. Ông bị đuổi khỏi trường Đại học Bách khoa Zurich. Mặc cho cuộc sống có nghiệt ngã đến mấy, ông vẫn cố gắng vươn lên và rồi trở thành một trong những nhà vật lí nổi tiếng của lịch sử nhân loại.

“Cần cù bù thông minh” , thế nhưng nói như thế không có nghĩa rằng ai cũng có thể cần cù. Đó là tổng hợp của một phần bản thân và sự bền bỉ, kiên trì, say mê làm việc. Thế nên một số người có cố gắng ,nhưng vẫn không đạt được thành công do bản thân lười biếng hoặc nỗ lực không đúng cách. Khi luyện tập, thất bại là điều thường gặp, nhưng vấn đề là liệu chúng ta có đủ nghị lực để đứng dậy hay không, điều đó mới quan trọng. Cần cù đây không có nghĩa là gặp cái gì cũng cố gắng làm cho bằng được. Chúng ta cần cù làm việc là một việc tốt, nhưng nếu chúng ta không có kiến thức về việc đó, chúng ta có thể trở thành một kẻ phá hoại, vấn đề là chúng ta làm việc gì cũng phải suy nghĩ , tính toán trước khi làm. Trong xã hội, ngoài những người cần cù vươn lên, vẫn có không ít người buông xuôi tất cả. Họ cho rằng mình kém thông minh hơn người ta và tự xem mình như kẻ vô dụng. Từ những suy ngĩ đó, họ bắt đầu những hành động tiêu cực, buông xuôi và rồi trở thành gánh nặng cho xã hội. “ Trên bước đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng”, vì vậy những người như thế sẽ khó tồn tại trong cuộc sống. Ngược lại với những người bi quan, lại có những người quá tự tin vào bản thân. Họ cứ ngỡ mình thông minh hơn người khác nên chẳng bao giờ cố gắng, chẳng bao giờ nhìn lại bản thân và xem mình đã trở nên thảm hại đến mức nào. Bản thân là học sinh, chúng ta phải biết được bản chất , thực lực của mình để rồi qua đó, phấn đấu một cách đúng đắn để cải thiện bản thân. Trong trường học, chúng ta phải tập chăm chỉ làm bài , học bài đầy đủ, nếu gặp một vấn đề khó, đừng bao giờ nản lòng mà phải tìm cách giải cho ra bài tập, cũng như lúc ở nhà, ta phải tập làm từ những việc lặt vặt cho đến việc lớn. Mỗi lần chúng ta hoàn tất một việc cũng là mỗi lần chúng ta rèn được tính cần cù của mình.

Qua thời gian và những kinh nghiệm trong cuộc sống, chúng ta thấy rằng cuộc sống không bao giờ dừng lại, cũng như con người phải không ngừng phấn đấu và sự cần cù trở thành một trong những đức tính không thể thiếu của con người. Cần cù không chỉ có nghĩa là miệt mài làm việc, mà còn có ý nghĩa vươn lên, cải thiện bản thân, không tự mãn với những gì mình đang có. Chúng ta phải cố gắng để sự cần cù có thể bù cho trí thông minh của chúng ta.

Bài Viết Liên Quan

Bài Viết Mới

oversizedtee