HomeUncategorizedPhân tích bài thơ “Vịnh mùa đông” - Văn Hay lớp 9

Phân tích bài thơ “Vịnh mùa đông” – Văn Hay lớp 9

Đề bài: Phân tích bài thơ “Vịnh mùa đông” – Văn Hay lớp 9

Bài làm:

Nguyễn Công Trứ (1778- 1858) là một vị quan to trong triều Nguyễn, văn võ toàn tài, nổi tiếng kinh bang tế thế. Là một nhà thơ lớn của đất nước, có biệt tài về thơ hát nói. Ông có nhiều bài vịnh rất hay được lưu truyền mãi về sau, trong đó có bài thơ “Vịnh mùa đông”.

Cái hay và độc đáo của của bài thơ “Vịnh mùa đông” là ở lớp nghĩa hàm ẩn, mang tính ẩn đụ độc đáo. Chỉ qua việc tả về 3 tháng mùa đông rét mướt của quê nhà (Hà Tĩnh) mà nói lên được nếp sống của vị hàn nho, thể hiện khí phách của kẻ sĩ đứng vững trước mọi thử thách của cuộc đời.

Nghĩ lại thì trời vốn cũng sòng,

Chẳng vì rét mướt bỏ mùa đông.

Quy luật tự nhiên, mùa đông ắt sẽ rét mướt. Lời thơ rất đơn giản, mộc mạc nhưng khẳng định được chân lý. “Sòng” là sòng phẳng, không thiên vị. Chẳng phải vì rét quá mà trời lại bỏ qua mùa đông. Vận động tự nhiên phải trải qua 4 mùa. Mùa xuân ấm áp, mùa hè nóng nực, mùa thu mát mẻ và mùa động giá rét.

Mây về ngàn Hồng đen như mực,

Gió lọt rèm thưa lạnh tựa đồng.

“Mây” và “gió”, “về” và “lọt”, “ngàn Hồng” và “rèm thưa”’, “đen như mực”,  “lạnh tựa đồng” . Các  từ đối nhau nhưng rất hợp cách: danh từ đối với danh từ, động từ đối với động từ, hình ảnh so sánh đối với hình ảnh so sánh. Hai câu thơ thực sự đang vịnh cảnh mùa đông. Mây đen làm cho bầu trời tối tăm hơn. Ngàn Hồng là tên tiếng Nôm của núi Hồng Lĩnh ở Hà Tĩnh. Tác giả xúc cảm trước cái rét, cái lạnh của 3 tháng mùa đông. Làn gió bấc thổi lọt qua tấm “rèm thưa”, đã lạnh càng thêm lạnh.

Cảo mực hơi may ngòi bút rít,

Phím loan cười nhuộm sợi tơ chùng.

“Cảo mực” có nghĩa là giấy mực. Trời rét quá làm mực bị đông lại, ngòi bút “rít” khiến anh nho sĩ nghèo không thể viết thành chữ. Đến “phím loan” cũng bị cái rét làm cho “sợi tơ chùng”. Qua ngòi bút của nhà thơ, hình ảnh một nhà nho nghèo chưa gặp vận hiện lên rõ ràng. Một người giàu nghị lực, có một đời sống tâm hồn phong phú đang đứng trước mọi thử thách, gian khổ, thiếu thốn cuộc đời.

Bốn mùa ví những xuân đi cả,

Góc núi ai hay sức lão tùng.

Nhà thơ giả định hàm ý bày tỏ một quan niệm sống, một cách sống. Nếu cả 4 mùa trong một năm đều là mùa xuân hết thảy, thì rất ấm áp, thuận lợi. Mọi người sẽ không biết được cái lạnh giá của mùa đồng, rèn được sức chịu đựng sương gió lạnh như cây thông, cây tùng già. Cách nói có vẻ bình dị nhưng vô cùng sâu sắc.

Trong văn thơ, “lão tùng” ám chỉ những có người tài đức, giàu nghị lực, vượt qua nhiều gian khổ của cuộc đời. Tùng thường đại diện cho mùa đông. Nó vẫn xanh tốt trước thiên nhiên hà khắc, mưa gió, rét mướt. Tác giả muốn ám chỉ: còn người phải học cách cứng cỏi, lạc quan và tự tin. Dù khó khăn đến đâu cũng không được lùi bước.

Chỉ qua bài thơ “Vịnh mùa đông”, Nguyễn Công Trứ đã nói lên tài đức và phẩm hạnh của một nhà nho chân chính. Từ đó, ông nêu cao một quan niệm nhân sinh tuyệt đẹp. Cái giá lạnh mùa đông trở thành mọi thử thách cuộc đời.

Bài Viết Liên Quan

Bài Viết Mới

oversizedtee