Đề bài: Phân tích hai câu kết bài thơ “Đề đền Sầm Nghi Đống”
Bài Làm
Hồ Xuân Hương được mệnh danh là “bà chúa thơ Nôm” của Việt Nam. Mỗi bài thơ là tiếng nói của người phụ nữ trong chế độ cũ, muốn có được bình đẳng, căm ghét chế độ nam quyền. Điều này thể hiện rõ trong hai câu kết của bài thơ “Đề đền Sầm Nghi Đống”:
Ví đây đổi phận làm trai được,
Thì sự anh hùng há bấy nhiêu?
Hồ Xuân Hương (1772 – 1822) là nữ thi sĩ tài ba. Bà là người có tính tình phóng khoáng, thích thăm thú, du ngoạn, thích ngẫu hứng vung bút đề thơ. Nhiều người cho rằng, điểm đặc sắc trong thơ Hồ Xuân Hương là “thanh thanh tục tục”.
Sầm Nghi Đống là một tướng của nhà Thanh, người đã bị quân Tây Sơn đánh bại và thắt cổ tử tiết ở núi Loa, Khương Thượng, gần thành Thăng Long năm 1789. Sau chiến tranh, để thúc đẩy bình thường hóa quan hệ ngoại giao, vua Quang Trung đã cho mang xác Sầm Nghi Đống trả cho nhà Thanh đưa về Trung Quốc chôn cất và còn cho phép Hoa Kiều xây đền thờ Sầm Nghi Đống ở khu vực phố Đào Duy Từ, Hà Nội ngày nay.
Bày tỏ thái độ khinh thị đối với tên tướng giặc, Hồ Xuân Hương đã làm bài thơ “Đề đền Sầm Nghi Đống”. Bà còn bày tỏ quan niệm rất táo bạo: “Nếu xã hội bình đẳng, người phụ nữ cũng sẽ làm nên nghiệp lớn như nam giới”. Điều đó khẳng định rõ ở hai câu cuối của bài thơ:
Ví đây đổi phận làm trai được,
Thì sự anh hùng há bấy nhiêu?
Chúng ta thấy được sự giả định, so sánh sâu sắc trong hai câu thơ. Hồ Xuân Hương đang mỉa mai, chế giễu cái nhân cách tầm thường của vị Thái thú Sầm Nghi Đống.
Đại từ nhân xưng “đây” chỉ ngang hàng phải lứa với tướng giặc. Một cách nói suồng sã, ngang tàng. Hồ Xuân Hương nhạo báng Sầm Nghi Đống. Ai bảo mang quân sang xâm lược nước ta để nhận phải thất bại đau đớn, đến nỗi phải thắt cổ tự tử. “Sự anh hùng” đó chẳng qua chỉ là sự nhục nhã, ê chề.
Ngoài ra, Hồ Xuân Hương còn khẳng định, nếu bà “đổi phận làm trai được”, chắc chắn sẽ gây dựng sự nghiệp hơn hẳn. Trong xã hội phong kiến, nếu một vị tướng có địa vị cao quý bị mang ra so sánh không bằng đàn bà quả là sự táo bạo. Chỉ có “bà chúa thơ Nôm” mới dám thách thức như vậy.
Bằng nghệ thuật trào phúng đặc sắc, Hồ Xuân Hương đã thể hiện thái độ coi thường Sầm Nghi Đống. Qua đó, bà tuyên ngôn dõng dạc về nữ quyền giữa thời phong kiến. Xã hội thối nát cùng cực, “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”. Tư tưởng trọng nam khinh nữ đã ăn sâu vào trong tiềm thức của con người trong xã hội đương thời, gây cho bao người phụ nữ bất hạnh. khổ đau.
Bài thơ “Đề đền Sầm Nghi Đống” vừa đánh giá nhân cách, sự anh hùng của Sầm Nghi Đống, vừa muốn nói lên “tầm vóc” của nữ nhi phương Nam. Hồ Xuân Hương luôn tự hào về tài năng, phẩm hạnh của phụ nữ. Bà chế giễu những nam nhi vô dụng, nhân cách tầm thường. Đó là sự nổi loạn, muốn vượt lên số phận của Hồ Xuân Hương nói riêng và phụ nữ Việt Nam nói chung trong thời kỳ phong kiến.