Nguyễn Bình Khiêm hay còn gọi là Trạng Trình là nhà thơ xuất sắc của nền văn học Việt Nam. Ông là một nhà thơ yêu nước và có một tấm lòng yêu nước thương dân và lòng căm thù giặc sâu sắc đối với kẻ thù xâm lược. Tiêu biểu đó là bài thơ “Ghét chuột”.
Nguyễn Binh Khiêm (1491-1585) có học vấn uyên bác, đạo đức cao khiết, tài năng lỗi lạc. Thơ của ông phản ánh và lên án những bất công, thối nát của xã hội phong kiến Việt Nam thời bấy giờ, thể hiện tình thương yêu dân sâu sắc.
Bài thơ “Ghét chuột” được viết bằng chữ Hán, rút từ tập “Bạch Vân Am thi tập” của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nhà thơ đứng về phía người dân lầm than nói lên tiếng nói căm giận, khinh bỉ bọn quan lại gian ác trong xã hội phong kiến mục nát.
Tác giả luôn mong muốn nhân dân được ấm no hạnh phúc, có cơm ăn áo mặc. Nhân dân có thể tự trồng trọt để lo cho cuộc sống của mình, nhà nhà đều vui vẻ:
Vốn trời sinh ra dân
Ấm no đều muốn được
Ôi! Xưa bậc thánh nhân
Dạy dân trồng ngũ cốc
Cha mẹ được phụng thờ
Vợ con được săn sóc
Mở đầu bài thơ là ngôn ngữ trang trọng, mang màu sắc giáo huấn tư tưởng “lấy dân làm gốc”. Qua đó thể hiện tâm hồn và cốt cách cao cả của thi nhân. Đã sinh ra ai cũng cần được dạy dỗ, biết cách làm ăn, biết cách sống, đối nhân xử thế. Tất cả vì một lẽ sống cao đẹp.
Đang yên lành thì lũ chuột đến phá phách:
Chuột lớn sao bất nhân
Gặm khoét thật thảm độc
Đồng ruộng trơ rơm khô
Kho đụn kiệt gạo thóc.
Qua ngòi bút tài ba của tác giả và bằng nghệ thuật trào phúng ẩn dụ, bộ mặt gớm ghiếc của lũ chuột hiện lên rõ rệt. Chúng là lũ “bất nhân”, “gặm khoét” lương thực, làm cho ruộng đồng xác xơ “trơ rơm khô”, kho đụn “kiệt gạo thóc”. Tội ác của lũ chuột tày trời. Lũ chuột chính là đại diện cho lũ tham quan, vô dụng, bất tài luôn ức hiếp dân chúng. Người đọc cảm nhận rõ thái độ căm giận và khinh bỉ của Nguyễn Bỉnh Khiêm đối với bọn tham quan ô lại thời bấy giờ.
Khó nhọc nông phu than
Đói gầy nông phụ khóc
Người dân than khóc. Bao nhiêu công sức, khó nhọc làm đồng ruộng bây giờ thành công cốc. Cuộc sống của dân ngày càng cực khổ, lầm than, chịu nhiều cực khổ đói khổ. Bọn tham quan thì ra sức vơ vét, bóc lột, phá hoại đi cuộc sống bình an của người dân.
Rình mò dưới lỗ hang,
Thần dân đều căm tức
Lũ chuột luôn “rình mò” trong “lỗ hang”. Mọi người ai ai cũng “căm tức”. Bọn tham quan luôn có ô dù để che chắn. Chúng mặc sức chà đạp dân chúng. Ai cũng oán than nhưng không thể làm gì, lực bất tòng tâm.
Tuy nhiên, đến đoạn cuối bài thơ, tác giả đã cảnh cáo “lũ chuột”:
Quấy nhiễu mất lòng người
Tất bị người xé xác
Thây phơi khắp thị thành
Thịt quạ diều rỉa bóc!”
Tội ác sẽ bị trừng phạt. Bọn quan lại tham ô sẽ được diệt trừ. Nó là lời cảnh cáo đanh thép, cũng là lời nguyền rủa nặng nề dành cho kẻ thù không đội trời chung. Xé xác, phơi thây giống chuột không phải vì lí do riêng tư mà trước sau chỉ vì một mục đích nhằm làm cho dân nghèo “cùng an hưởng hạnh phúc”. Lí tưởng thân dân, vì dân, nhân đạo và tiến bộ của nhà thơ thật đáng trân trọng.
“Ghét chuột” là một bài thơ độc đáo ở đề tài, sắc bén ở thù pháp nghệ thuật phúng dụ. Chỉ mượn hình ảnh con chuột để vạch mặt bọn quan lại tham ô gây ra bao tội ác trong xã hội. Điều đáng khâm phục nhất, chính là tình thương yêu dân và lòng căm giận tham quan vô lại một cách sâu sắc, mạnh mẽ của Nguyễn Bỉnh Khiêm.
.