HomeVăn HọcPhân tích bài thơ “Đi thi tự vịnh” văn mẫu lớp 9...

Phân tích bài thơ “Đi thi tự vịnh” văn mẫu lớp 9 hay nhất

Nguyễn Công Trứ là một nhà trí thức phong kiến có tài. Thơ văn ông luôn thể hiện chí khí của kẻ làm trai. Ông luôn ấp ủ trong lòng hoài bão tạo dựng sự nghiệp công danh từ thời trai trẻ. Điều đó thể hiện rõ trong bài thơ “Đi thi tự vịnh” của ông.

Nguyễn Công Trứ sinh ra ở làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là người có tài có đức, là vị quan hết lòng vì dân vì nước. Nguyễn Công Trứ để lại cho đời rất nhiều bài thơ Nôm và hát nói. Đặc biệt là nhiều bài thơ thể hiện chí nam nhi và nợ công danh rõ ràng.

Từ nhan đề bài thơ ‘Đi thi tự vịnh”,  nhà thơ nêu lên ý chí của mình khi lều chõng lên đường đi ứng thí. Mở đầu, Nguyễn Công Trứ viết:

Đi không há lẽ trở về không                                      

Cái nợ cầm thư quyết trả xong

Đi thi là ươm trồng, gieo hạt “há lẽ” lại trở về không. Khi về là gặt hái sau quá trình một nắng hai sương. Sự quyết tâm lớn của tác giả. Xác định ít nhiều cũng phải có kết quả, không thể về tay không. Cách nói phủ định của phủ định ấy nhằm để khẳng định hoài bão và chí làm trai của Nguyễn Công Trứ. Vốn dĩ, “nợ cầm thư” là nợ đèn sách mà các thư sinh thời đó luôn phấn đấu, nỗ lực lâu dài, phải kiên trì mài giũa mới mong có công danh, sự nghiệp.

Rắp mượn điền viên vui tuế nguyệt

Dở đem thân thế hẹn tang bồng

Đôi lúc con người muốn sống thanh cảnh, vui thú “điền viên” với hoa cỏ, ruộng vườn. Thế mà, cái “nợ tang bồng” vẫn cứ quấn lấy đôi chân nam nhân. Một từ “rắp” hài hước, vui đùa mà nhà thơ “Dở đem thân thế hẹn tang bồng”. Nguyễn Công Trứ muốn quyết tâm chinh phục con đường công danh đến cùng.

Chí làm trai đã được nhiều nhà thơ nhắc đến. Mỗi người có cách nói riêng nhưng tựu chung vẫn là: Đã làm nam nhi thì phải tạo dựng được sự nghiệp, làm được việc lớn, giúp dân giúp nước:

Đã mang tiếng ở trong trời đất                                         

Phải có danh gì với núi sông

Nam nhi là người phải ngang dọc trời đất, phải có tầm nhìn. “Danh” mà tác giả đề cập ở đây là công danh, là tiếng thơm, tiếng tốt, tên tuổi của một con người gắn liền với thời đại. Có lần Nguyễn Công Trứ nói: “Không công danh thà nát với cỏ cây”. Đây cũng xem là một lời răn dạy cho thế hệ đi sau.

Hai câu kết thể hiện khẩu khí của một người lạc quan, tài năng:

Trong cuộc trần ai ai dễ biết

Rồi ra mới biết mặt anh hùng

Nói thì dễ nhưng thực hiện được lại chẳng phải ai cũng làm được. Đã là sĩ tử đi thi nhưng có phải ai cũng đỗ đạt, làm quan. “Ai dễ biết” thời cuộc ra sao? Phải có tài năng, lòng quyết tâm mới biết “mặt anh hùng”. Trong cuộc đời, Nguyễn Công Trứ đã từng làm quan, đi đánh giặc, làm doanh điền sứ mở rộng đất đai trồng trọt. Ông là người nói được và làm được. Những gì ông để lại vời đời đều được người đời trân trọng, gìn giữ.

Bài thơ “Đi thi tự vịnh” có một giọng điệu mạnh mẽ, rắn rỏi, ngôn ngữ thơ chắc nịch. Từ đầu đến cuối, các ý thơ mạch lạc, nối tiếp nhau đã nêu lên một ý chí vững chắc của một con người: phải đỗ đạt để lập công danh với đời. Qua đây, tác giả cũng nhắc nhở và động viên các đấng nam nhi phải biết cố gắng phấn đấu và sống có ích cho xã hội.

Bài Viết Liên Quan

Bài Viết Mới

oversizedtee